[Pháp luật -CATPHCM] - Vợ nguyên viện trưởng viện kiểm sát lừa hơn 21 tỷ đồng

Bị cáo Sạnh tại tòa


Ngày 1-4-2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Sạnh (SN 1960, ngụ khu phố 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tiếp tục được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước tiến hành sau một thời gian trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2009 đến ngày 31-3-2010, lợi dụng mối quan hệ quen biết, bị cáo Sạnh đã lừa vay tiền của nhiều người với lý do giúp bạn bè, trả nợ hoặc nói dối là cần vốn kinh doanh vài ngày và đáo hạn ngân hàng..., sau đó chiếm đoạt của 23 nạn nhân 21,1 tỷ đồng. Nhưng dù vẫn kinh doanh bình thường và chẳng nợ ai song ngày 4-4-2010 đối tượng lại tuyên bố vỡ nợ.
Bức xúc, các bị hại đã làm đơn tố cáo. Ngày 29-9-2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Bình Phước khởi tố bà Sạnh về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 24-9-2012, bị cáo Sạnh bị Cơ quan CSĐT Công an Bình Phước thay đổi tội danh sang “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên xử, sau khi hội ý với các bị hại muốn hoãn phiên tòa để triệu tập nhân chứng quan trọng là Trần Thị Thắm, con gái bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định tiếp tục tiến hành vì lời khai của bà Thắm đã có trong hồ sơ. Hơn nữa theo luật, HĐXX không có quyền áp giải đối tượng này.

Trả lời trước tòa, bị cáo Sạnh cho rằng do có mối quan hệ quen biết, lại đưa mức lãi cao nên dễ dàng vay được tiền của các bị hại và viện dẫn mình có cây xăng, vườn tiêu... nên sẽ có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, khi số nợ ngày càng lớn, vì muốn giữ uy tín cho chồng con nên bị cáo đành vay lãi cao để trả dần.
Câu trả lời này khiến các bị hại đồng loạt phản ứng: việc vay mượn đều do bà Sạnh chủ động đề nghị với lãi suất 2% để cho người khác vay lại lấy lời. Những lần vay tiền đều có mặt ông Trần Hoàng Sơn - chồng bị cáo, lúc này là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. “Vì nghĩ chồng bị cáo là người của cơ quan công quyền nên tôi mới cho mượn tiền. Ai dè bị lừa mất hết”, bà Nguyễn Thị Liên bức xúc.

Cũng theo các bị hại, hành vi của bị cáo Sạnh quá rõ ràng, đề nghị HĐXX xử lý nghiêm đồng thời tuyên buộc vợ chồng bà Sạnh hoàn trả lại 27 tỷ đồng (hơn 5 tỷ đã được cơ quan điều tra chuyển qua vụ án dân sự - NV) cho bị hại.
Chiều 1-4-2014 khi bị truy về số tiền đã vay, bị cáo Sạnh cũng chỉ trả lời vòng vo, không lý giải được. Các bị hại đề nghị được đối chất với ông Sơn - người mà cơ quan tố tụng cho rằng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đồng thời đối chất với các ngân hàng về khoản vay của vợ chồng bị cáo Sạnh - Sơn.

Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của bị cáo Sạnh đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều người, gây dư luận không tốt tại địa phương, chẳng những thiệt hại về tài sản mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy trong gia đình, xã hội. Đối với trách nhiệm của ông Sơn và bà Thắm, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa không chứng minh được sự liên quan nên không có cơ sở xử lý, quan điểm luật sư không có căn cứ nên không được chấp nhận. Vì các lẽ trên, tòa tuyên buộc bị cáo Nguyễn Thị Sạnh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Áp dụng điểm a khoản 4 điều 139 và khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Nguyễn Thị Sạnh 17 năm tù đồng thời tuyên buộc bị cáo phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho bà Liên và các bị hại khác.