Chắc hẳn các bạn từng tham gia hoạt động nhóm? Thế nhưng những giờ hoạt động nhóm của du học sinh Việt tại xứ người, bạn đã từng biết chưa?
Dưới đây là những chia sẻ của một bạn du học sinh người Việt ở Nga: Ở Việt Nam, cứ đến giờ học là học sinh chỉ mong lúc hoạt động nhóm để tha hồ “chém gió”, ngồi làm việc riêng hay nói to một cách thoải mái mà không sợ cô giáo la… Nhưng khi tôi bắt đầu cuộc sống du học ở Nga, tôi thấy giờ hoạt động nhóm là lúc “ám ảnh” nhất đối với tôi. “Họ” hoạt động, còn mình ngồi nhìn Cứ đến giờ hoạt động nhóm cả lớp túm tụm chia ra các nhóm để làm bài tập, còn sinh viên nước ngoài, đặc biệt là vừa sang mà không rành tiếng như tôi lại chả hiểu gì. Đến tiếng Nga tôi còn phát âm chưa rõ thì sao làm cùng các bạn “Tây” được. Thế là tôi thường ngồi nhìn từ đầu đến cuối, hoặc thỉnh thoảng mới có thể "thọt" được vài câu, vài ý. Chính vì thế mà thời gian đầu tôi rất ngại, tôi cảm thấy thật khó chịu khi các thành viên khác luôn làm việc tích cực, còn mình thì bất lực ngồi đấy như một thành viên dư thừa. Những bài tập mà mình thấy choáng Cách đây mấy ngày, chúng tôi có môn Văn học Nga. Như các bạn thấy đấy, ở nhà mình may ra học một vài tác phẩm văn học Nga rất rất nổi tiếng, con số ấy đếm trên đầu ngón tay. Ấy vậy mà, cô đọc một đoạn thơ và bắt phân tích… nghe xong choáng luôn. Chúng tôi còn chưa kịp chép những gì cô đọc huống gì là đi phân tích một đoạn văn mà sinh viên Nga từng học ở phổ thông. Những “ánh mắt hay xì xào” làm bạn tự ti Có thể mọi người cho rằng đây là vấn đề nhỏ, không đáng để ý, nhưng khoan, bạn đã nhầm. Tôi từng trải qua và chứng kiến, khi bạn không thể cùng đóng góp ý kiến với các bạn Nga vì nhiều lý do nên các bạn dễ bị một vài sinh viên bản xứ “nhòm ngó”, thậm chí là họ xì xào rồi chỉ trỏ. Dám chắc lúc đó bạn rất hổ thẹn vì kết quả thì cả nhóm hưởng chung, mà chỉ có họ hoạt động nên điều đó cũng dễ gặp. Nhưng vì những lần như thế khiến nhiều du học sinh rơi vào trạng thái tâm lý ngại ngùng, xấu hổ, nghiêm trọng hơn là họ đánh mất sự tự tin để học tập và giao tiếp cho những giờ làm nhóm tiếp theo. Cô giáo “dựng” lên trả lời bất chợt Ở Nga, theo như tôi chứng kiến một vài giáo viên sau khi làm xong sẽ hỏi sinh viên: “Tại sao lại làm như vậy ?” hay “bổ sung thêm ý kiến”… mà trong lúc hoạt động nhóm bạn không hiểu, không tham gia bàn luận cùng sinh viên “chủ nhà” nên đôi lúc cô giáo sẽ gọi lên trả lời. Tất nhiên du học sinh Việt không nằm ngoài danh sách. Có nhiều sinh viên Việt “tim bay ra ngoài lồng ngực” vì ngạc nhiên, lúc đó chỉ biết đứng im, điều ấy cũng dễ hiểu thôi vì không hiểu, không làm cùng thì không thể trả lời được. Tôi đã chỉ ra 4 điểm lớn nhất mà sinh viên Việt - đặc biệt những ai theo học ngành về Nhân văn như tôi tại Nga thường mắc phải. Nhiều khi các bạn không tự “tìm lối thoát”, dẫn đến sự rụt rè cả trong suy nghĩ lẫn hành động, và hoàn toàn bạn có thể cảm thấy sợ hãi mỗi lúc có giờ hoạt động nhóm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của các bạn. Có thể mỗi nơi mỗi khác, bạn đừng vội đánh giá rằng: “Đâu có, lớp tôi hoạt động nhóm dễ ợt à…” Đại loại như vậy, hãy nhớ rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Dễ hay khó còn phụ thuộc vào sự cố gắng của các bạn, đôi khi còn phụ thuộc cả giáo viên dạy bạn nữa đấy. |